Lẩu cá hồi là một món ăn hấp dẫn và rất tốt cho sức khoẻ. Món lẩu cá hồi kết hợp giữa vị thơm, béo của đầu cá hồi, vị chua của măng và vị cay của ớt rất thích hợp với những buổi chiều mưa lạnh. Dưới đây là cách nấu lẩu cá hồi nâu măng chua ngon mà không tanh.
Cách làm lẩu cá hồi nấu măng chua
Lẩu cá hồi nấu măng chua âm ấp ngày đông. (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu nấu lẩu cá hồi
- 2 bộ xương gà
- 2 đầu cá hồi
- 100gr măng chua
- 2 trái cà chua
- 1/2 trái thơm
- 20gr me tươi
- 100ml rượu trắng
- 50gr thì là
- 1 bó rau muống
- 500gr đậu bắp
- 500gram bạc hà
- 20gr ngò gai
- 200gr cà chua để ăn lẩu
- Gia vị: Hành lá, hành tím, sả, ớt hiểm, mắm, bột ngọt, dầu ăn, nghệ
Cách nấu lẩu cá hồi không tanh
Bước 1: Sơ chế xương gà và đầu cá hồi
Đầu cá hồi rất ngon và giàu dinh dưỡng. (Ảnh: Internet)
- Rửa sạch xương gà, chặt thành các khúc vừa ăn. Chần qua xương gà với nước sôi để sạch tạp chất. Đổ nước, vớt xương gà ra, để ráo.
- Rửa sạch đầu cá hồi, để nguyên hoặc chặt nhỏ vừa ăn. Ngâm đầu cá hồi trong rượu trắng khoảng 10 phút để khử mùi.
- Vớt đầu cá hồi ra, để ráo. Ướp đầu cá hồi trong âu với hỗn hợp gia vị gồm nước mắm, bột ngọt, bột nghệ, ít tiêu, hành tím và trộn đều với nhau, đặt đầu cá ướp gia vị vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút để gia vị ngấm đều.
Bước 2: Hầm nước dùng lẩu với xương gà
- Đổ xương gà vào nồi, thêm 2 lít nước, bật bếp hầm xương với lửa lớn. Sau khi nước sôi thì giảm lửa, hầm liu riu trên bếp. Lưu ý, canh vớt bọt trong lúc hầm để nước xương được trong. Khoảng 30 phút sau thì tắt bếp. Lấy khăn giấy lót trên ray, đổ nước hầm qua ray lọc để làm nước dùng.
- Phần xương gà bạn giữ lại để ăn cùng lẩu.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Cà chua rửa sạch, bổ mũi cau. Thơm rửa sạch, cắt lát mỏng.
- Dầm me với nước ấm để lấy nước cốt me.
- Hành lá, thì là bỏ hết phần lá già, úa, đem rửa sạch, cắt thành các khúc dài 4 cm.
- Rau muống ngâm muối, rửa sạch và để ráo.
- Đậu bắp căt bỏ cuống, rửa sạch, thái lát chéo khoảng 2 cm.
- Ngò gai nhặt bỏ phần lá già, rửa sạch, băm nhỏ.
- Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn.
Bước 4: Nấu nước lẩu cá hồi
- Làm nóng chảo trên bếp với một ít dầu ăn. Đổ hành tím vào phi thơm. Khi hành bắt đầu dậy mùi, bạn đổ đầu cá vào chiên sơ hơi vàng rồi gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
- Lấy một nồi khác bắc lên bếp, đun nóng với ít dầu hoặc mỡ, khi dầu già lần lượt cho măng chua, dứa, cà chua, nước me chua vào xào chung với nhau rồi đổ nước hầm gà vào đun. Nấu cho đến khi sôi thì cho sả đập dập vào, nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 5: Thưởng thức lẩu cá hồi
- Đặt nồi nước lẩu trên bếp ga mini hoặc bếp điện từ và bật bếp để lẩu được làm nóng liên tục, dọn đầu cá hồi, bún và rau ở bên cạnh để thưởng thức.
- Lẩu cá hồi ngon hơn khi dùng nóng, đặc biệt rất thích hợp với những tối cuối tuần hoặc ngày mưa lạnh.
Lẩu cá hồi ăn với rau gì ngon?
Vì nước lẩu cá hồi đã có sẵn vị chua của măng, vị cay của ớt và độ béo ngậy của đầu cá hồi nên thích hợp ăn cùng những loại rau chua, ngọt để trung hoà hương vị: rau muống, rau cải, đậu bắp, bạc hà (dọc mùng), hoa chuối bào, các loại nấm...
Lẩu cá hồi có thể kết hợp với nhiều loại rau đa dạng. (Ảnh: Internet)
Bí quyết nấu lẩu đầu cá hồi ngon, không tanh
- Nếu không thích đầu cá, bạn có thể dùng phần lườn cá, phần này sẽ đem lại vị béo thơm hơn cho món lẩu.
- Rán sơ cá trước khi nấu lẩu giúp thịt cá săn lại, ngọt nước hơn và có màu vàng đẹp mắt.
- Tùy vào khẩu vị của bạn mà gia giảm độ cay vừa phải.
Cách nấu lẩu cá hồi ngon mà Cet.edu.vn vừa chia sẻ rất ngon mà không quá phức tạp. Nước lẩu chua chua, cay cay hoà cùng vị béo ngậy của đầu cá hồi sẽ là một món ăn hấp dẫn cho gia đình bạn vào ngày cuối tuần. Chúc bạn thành công.