Nếu bạn đã từng nghe đến lẩu Trung Quốc, thì không thể không biết đến chuỗi nhà hàng Haidilao. Nhưng ít ai biết rằng người sáng lập ra thương hiệu này lại có xuất thân không hề liên quan gì tới ẩm thực.
Hành trình từ một thợ hàn tay trắng lập nghiệp
Trương Dũng, người sáng lập Haidilao, sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ông bắt đầu đi làm thợ hàn tại một xưởng sản xuất máy kéo khi mới 18 tuổi, sau khi nhận ra rằng không phải học hành là đam mê của mình.
Lần đầu tiên đi ăn lẩu vào năm 19 tuổi, Trương Dũng đã nhận ra rằng hầu hết các quán lẩu Trung Quốc phục vụ kém chất lượng và khẩu vị không đồng nhất. Ý tưởng về một nhà hàng lẩu chất lượng và phục vụ tuyệt vời đã nảy nở từ đây. Với công việc thợ hàn vất vả không có tương lai, Trương Dũng quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực.
Ông chủ Haidilao - Trương Dũng
Năm 1994, Trương Dũng và người vợ sắp cưới của mình, Thư Bình, cùng với 2 người bạn khác, góp vốn để mở một nhà hàng lẩu rất nhỏ có tên là Haidilao, trong tiếng Việt có nghĩa là "Mò xuống đáy biển" - một cách nói mô tả sự hiếm có và may mắn.
Để khởi động quán ăn nhỏ này, ông đã vay 10.000 NDT từ bạn bè và cam kết tăng giá trị số vốn này lên 150.000 NDT trong vòng 5 năm, nếu không sẽ bồi thường hoàn toàn.
Thành công nhờ chú trọng vào chất lượng và trải nghiệm của khách hàng
Ở Tứ Xuyên, chỉ mở một cửa hàng lẩu thông thường không đủ để tồn tại, bởi đây là "quê hương" của lẩu. Vợ chồng Trương Dũng đã nhận thức điều này và dành thời gian nghiên cứu rất lâu để tìm ra công thức làm nước lẩu đặc biệt. Sau nhiều lần thất bại, họ cuối cùng đã sáng chế ra công thức làm nước lẩu trứ danh của Haidilao.
Trương Dũng cũng đã bắt đầu đầu tư để phát triển nhà hàng, bằng cách lắp thêm điều hòa và tạo không gian rộng rãi hơn. Hương vị thức ăn ngon vừa miệng kết hợp với dịch vụ tận tâm và chu đáo đã giúp quán lẩu nhỏ của vợ chồng Trương Dũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Vào năm 1998, Haidilao trở thành quán lẩu lớn nhất vùng và mở thêm một cơ sở.
Công thức thành công của Haidilao không chỉ nằm ở hương vị lẩu ngon, mà còn ở cách phục vụ của ông chủ. "Vua lẩu" Trương Dũng luôn tự quản lý nhà hàng để duy trì chất lượng. Ông đã từ chối mọi lời mời nhượng quyền từ các nhà đầu tư khác trên toàn cầu, vì ông cho rằng việc nhượng quyền có thể ảnh hưởng đến cấu trúc quản lý và giảm chất lượng phục vụ.
Haidilao cũng nỗ lực để chiều lòng khách hàng bằng cách mang đến các trải nghiệm độc đáo. Như không gian rộng rãi, thoải mái, sạch sẽ, khu vui chơi cho trẻ em trong khi phụ huynh đang ăn lẩu, dịch vụ làm nail, massage, dán màn hình điện thoại cho khách hàng đang chờ đến lượt. Đặc biệt, Haidilao tổ chức sinh nhật và múa mì cho khách hàng.
Haidilao - Bậc thầy chiều khách
Haidilao cẩn thận và chu đáo đến mức sẵn sàng cung cấp giấy lau màn hình điện thoại và chun buộc tóc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi ăn lẩu. Nhân viên phục vụ ở Haidilao cũng nhiệt tình và tạo ra những trào lưu thú vị trên TikTok.
Mặc dù đối thủ liên tục mở rộng và mở rộng thị phần bằng mô hình nhượng quyền, Haidilao vẫn tập trung đầu tư vào nhân lực và dịch vụ. Mỗi nhà hàng mới mở theo phương châm "khách hàng hài lòng - nhân viên tận tâm", tạo ra lợi thế cạnh tranh khó sao chép.
Quan điểm "nhân viên cũng là thượng đế"
Không chỉ quan tâm đến khách hàng, Trương Dũng cũng chăm sóc nhân viên làm việc tại Haidilao. Ông đã xây dựng mối quan hệ tốt với các nhân viên và tạo ra một văn hóa độc đáo.
Xuất phát từ gia đình nghèo, ông hiểu được tâm tư và nguyện vọng của nhân viên tại nhà hàng của mình. Trương Dũng cũng đã cung cấp nơi ở tiện nghi và sạch sẽ cho nhân viên làm việc tại một số nhà hàng Haidilao.
Các nhân viên ở Haidilao nhận được đãi ngộ rất tốt
Nhân viên cũng được thưởng một phần lợi nhuận của nhà hàng, ví dụ như việc trích 3% lợi nhuận tháng của chi nhánh làm tiền thưởng cho nhân viên. Haidilao cũng thưởng đậm, thưởng nóng cho nhân viên có ý tưởng giúp tăng sự hài lòng của khách hàng. Khi giúp công ty kiếm được nhiều tiền hơn, thu nhập của nhân viên cũng tăng lên. Điều này thúc đẩy tinh thần làm việc và quản lý của nhân viên.
Ở Haidilao, không chỉ những người tài giỏi mới được tuyển dụng làm quản lý, mà vị trí này thường được thăng tiến từ những nhân viên bình thường. Vì vậy, dù xuất phát điểm có là một bảo vệ trông xe hay một người phục vụ, nếu có tư duy và nỗ lực, ai cũng có cơ hội để trở thành quản lý tại Haidilao. Điều này khiến đại đa số nhân viên cảm thấy công bằng và an tâm, đồng thời khuyến khích họ làm việc và thể hiện bản thân.
Trương Dũng cũng đã thành lập một trường đào tạo nhân sự, do các quản lý lâu năm tại Haidilao giảng dạy. Điều này giúp tạo ra chuỗi cung ứng nhân lực chất lượng cao. Mức độ trung thành của nhân viên rất cao, tỷ lệ nghỉ việc chỉ khoảng 10%, và tỷ lệ quản lý nghỉ việc gần như bằng 0.
Mang thương hiệu vươn tầm thế giới
Mặc dù không có kiến thức kinh doanh hoặc nấu ăn chuyên nghiệp, Trương Dũng và Thư Bình đã cùng nhau tạo ra một kỳ tích. Từ một tiệm lẩu nhỏ, Haidilao hiện đã có hơn 1.600 cơ sở trên toàn cầu và trở thành thương hiệu góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Trung Quốc ra toàn thế giới.
Haidilao đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2018. Trương Dũng trở thành người giàu thứ 19 tại Trung Quốc. Một năm sau, ông nhập tịch Singapore và trở thành người giàu nhất nước này.
Haidilao hiện là thương hiệu nhà hàng lẩu nổi tiếng nhất Trung Quốc, với hơn 1300 chi nhánh trong nước và hơn 97 cửa hàng tại các quốc gia như Singapore, Mỹ, Anh, Nhật, Hàn,... Thương hiệu này cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2019.
Với chính sách quản trị chính xác, Haidilao là hiện tượng trong ngành ẩm thực thế giới và không ngừng nỗ lực mang đến trải nghiệm hoàn hảo nhất cho khách hàng.