Ẩm thực

5 Món Ngon từ Quả Sấu Bạn Có Thể Thực Hiện Tại Nhà

CEO Kenvin LK

Với vị chua nhẹ đặc trưng, quả sấu vốn là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc ở các gia đình miền Bắc. Những món ăn đặc trưng của sấu thường là các món ăn chua...

Với vị chua nhẹ đặc trưng, quả sấu vốn là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc ở các gia đình miền Bắc. Những món ăn đặc trưng của sấu thường là các món ăn chua hoặc nước uống giải nhiệt mùa hè... Cùng điểm qua một vài công thức chế biến món ăn ngon từ quả sấu nhé!

Vịt Om Sấu

Vịt om sấu là món ăn rất nổi tiếng ở miền Bắc. Món ăn này có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Ăn vịt om sấu có thể giúp bạn cải thiện hệ thần kinh, do đó đây là món ăn lành mạnh để cả nhà thưởng thức.

Vịt om sấu ngon lành

Nguyên liệu

  • Thịt vịt làm sạch: 1 con
  • Sấu: 10 quả
  • Khoai sọ: 0.5kg
  • Sả: 5 cây
  • Tỏi: 1 củ
  • Hành tươi, mùi tàu và các gia vị cần thiết (nước mắm, hạt tiêu, hạt niêm, đường, muối....)

Cách làm vịt om sấu

Vịt sau khi đã sơ chế, bạn xát muối và gừng lên thịt để làm sạch. Sau đó rửa lại thịt vịt với nước rồi chặt thành miếng vừa ăn.

Hành, sả đập dập, thái mỏng, tỏi giã nát, ớt băm nhuyễn.

Ướp thịt vịt với 1/3 muỗng canh muối, ½ muỗng canh hạt nêm, 1/3 muỗng cà phê tiêu cùng một nửa lượng hành, tỏi, sả đã chuẩn bị sẵn. Để yên trong 30 phút để thịt vịt ngấm gia vị.

Khoai sọ rửa sạch, luộc sơ với nước và một chút muối. Sau đó xả với nước lạnh rồi bóc vỏ. Quả sấu tươi cạo vỏ, ngâm với nước lạnh. Rau mùi tàu rửa sạch thái nhỏ.

Cho chảo lên bếp cùng 1 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu chín cho hành, tỏi, sả, ớt vào phi thơm. Cho vịt vào xào để thịt vịt săn lại.

Cho quả sấu vào nồi đổ nước ngập vịt (bạn có thể dùng nước dừa thay cho nước lạnh để món vịt nấu sấu thêm ngon hơn).

Nấu đến khi thịt vịt mềm, cho khoai sọ vào nấu cùng đến khi khoai mềm nhưng chưa bị nát. Lúc này quả sấu cũng đã mềm, bạn dầm sấu cho đến độ chua ưng ý. Nêm nếm lại gia vị, rắc thêm mùi tàu, ớt thái sợi lên để trang trí.

Múc món vịt om sấu ra tô và thưởng thức với bún hoặc cơm đều ngon.

Ô Mai Sấu

Ô mai sấu là món ăn vặt cực ngon, thích hợp cho những ngày hè. Những quả sấu với màu óng ánh xen lẫn các sợi gừng, khi ăn lại có vị mặn, ngọt, chua và hương thơm thoang thoảng sẽ tạo nên một thức quà vặt hấp dẫn ăn hoài không chán.

Nguyên liệu

  • Quả sấu: 500gr
  • Đường: 400gr
  • Gừng: 30gr
  • Muối: 10gr

Cách làm ô mai sấu

Quả sấu mua về rửa sạch, dùng dao cạo hết lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, đem ngâm với nước vôi trong khoảng 3 tiếng để khử nhựa.

Sau 3 tiếng bạn đun sôi một nồi nước, thả quả sấu vào rồi nhanh tay vớt sấu ra để ráo nước (không chần lâu để tránh quả sấu bị mềm hoặc nhũn).

Những quả sấu sau khi đã chần sơ qua thì cho vào một cái nồi cho 30gr củ gừng cắt sợi, 400gr đường và 10gr muối, trộn đều và để yên trong vòng 1 tiếng cho đường tan.

Sau khi đường tan và hòa quyện các nguyên liệu thì cho sấu lên bếp và xào. Khi hỗn hợp sôi và quả sấu dần chuyển sang màu vàng hổ phách thì bạn tắt bếp, vớt sấu và gừng ra ngoài.

Cuối cùng bạn đem quả sấu đi phơi nắng cho đến khi sấu khô là được. Bảo quản ô mai sấu trong lọ thủy tinh, để nơi thoáng mát và dùng dần.

Nước Sấu Ngâm

Nước sấu ngâm đường là thức uống được rất nhiều người yêu thích bởi tính giải nhiệt và vị chua thanh dễ uống. Loại thức uống này khá dễ làm, chỉ cần vài bước dưới đây là bạn sẽ có ngay một hũ nước sấu ngâm đúng "chuẩn".

Nguyên liệu

  • Quả sấu: 1 kg
  • Đường: 1kg
  • Gừng: 3 củ

Cách làm nước sấu ngâm đường

Sấu mua về, rửa sạch dùng dao cạo vỏ sấu, cao quả nào cho ngay quả đó vào chậu nước muối loãng để sấu không bị thâm vỏ. Cạo xong xấu, bạn rửa sạch sấu, dùng dao khía xung quanh để sấu nhanh ngấm đường hơn.

Đun một nồi nước và chần sấu đến khi thấy quả sấu chuyển sang màu vàng thì tắt bếp. Sau đó, đổ ra rồi để sấu nguội và khô hết nước.

Chuẩn bị một lọ thủy tinh sạch và khô, cho một lớp sấu vào lọ, tiếp theo là 1 lớp đường, và cứ thế thực hiện liên tục đến khi hết sấu và đường. Lưu ý, lớp trên cùng luôn là lớp đường.

Đậy kín lọ sấu ngâm, để nơi khô ráo khoảng 1 ngày để đường tan và ngấm hết vào quả sấu.

Chắc nước sấu ra một chiếc nồi, cho vào 1 ít muối và đun sôi, thả thêm 1 ít củ gừng đập dập cho thơm. Đun nước sấu khoảng 3 phút thì tắt bếp, để nước sấu nguội đổ trở lại lọ thủy tinh ngâm cùng với sấu khoảng 3 - 4 ngày là có thể dùng được.

Nước sấu ngâm nên bảo quản ở nơi thoáng mát. Khi uống, bạn hòa nước sấu với đường, một ít nước ấm, thêm đá vào để thưởng thức.

Canh Sườn Nấu Sấu

Nếu trong miền Nam sườn heo thường được nấu canh ngọt thì ngoài miền Bắc người ta rất ưa chuộng nấu cùng với quả sấu. Món canh sườn nấu sấu vừa giúp bữa cơm gia đình thêm ngon, vừa có thể cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cho cơ thể.

Nguyên liệu

  • Sườn non: 600gr
  • Sấu tươi: 200gr
  • Cà chua: 5 trái
  • Hành tím: 3 củ
  • Hành lá, ngò gai: 3 nhánh
  • Nước mắm: 1 muỗng canh
  • Dầu ăn: 3 muỗng canh
  • Các gia vị thông dụng (muối, bột ngọt, đường, hạt nêm....)

Cách làm canh sườn nấu sấu

Hành và ngò gai cắt góc, bỏ lá héo, rửa sạch. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, cắt lát nhỏ. Cà chua bỏ cuống, rửa sạch. Sử dụng 2 quả, mỗi quả cắt thành 6 miếng có hình múi cau. Số quả còn lại băm nhỏ cho vào tô, trộn đều với 1 muỗng cà phê muối.

Sấu tươi mua về rửa sạch, gọt vỏ, để ráo nước. Cho quả sấu vào 700ml nước, bắt lên bếp đun sôi trên lửa lớn, nước sôi bắt đầu hạ nhỏ lửa để hầm cho sấu mềm và ra nước. Bạn dùng muôi nghiền cho quả sấu ra nước chua, lọc lấy nước.

Sườn non rửa sạch, chặt thành miếng vừa ăn, dùng dao róc 1 đường dọc phần xương khúc sườn. Chần sơ sườn với nước sôi để khử mùi hôi của thịt, sau đó rửa sạch lại với nước lạnh.

Bắc nồi lên bếp cùng 2 lít nước và 1 muỗng cà phê muối, khi nước sôi hạ nhỏ lửa cho phần sườn đã sơ chế vào ninh khoảng 2 tiếng. Khi thấy nước dùng cạn còn khoảng 1.5 lít là được. Trong quá trình ninh thịt cần hớt bọt để nước hầm được trong.

Bắc một chiếc chảo khác lên bếp, cho 3 muỗng canh dầu ăn vào, đợi dầu nóng cho hành tím cắt lát vào phi thơm. Khi hành phi chuyển sang vàng và có hương thơm, bạn cho cà chua băm vào xào chín. Khi cà chua chín nhừ, bạn cho khoảng 1 vá nước hầm sườn vào, tráng chảo, rồi cho nước sốt cà chua vừa xào qua rây lọc vào nồi nước dùng.

Cho nồi nước ninh sườn lên bếp, mở lửa lớn để nước sôi. Khi nước sôi, bạn cho phần cà chua cắt múi cao vào cùng 1 muỗng canh bột canh, 1 muỗng canh hạt nêm và ½ muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh nước nắm, khuấy đều để gia vị tan hết.

Cuối cùng cho phần nước sấu đã lọc bỏ xác vào, khuấy đều và nấu sôi lại lần nữa. Bạn nêm nếm lại cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.

Cho một ít rau mùi tây, hành lá vào tô to, mức sườn và nước dùng còn nóng vào tô, cho để hành và rau mùi tây chín. Rắc thêm một chút tiêu lên trên mặt là có thể thưởng thức rồi.

Canh Chua Sấu Thịt Băm

Canh chua sấu thịt băm là món ăn dễ làm lại vô cùng tốt cho sức khỏe mà bạn có thể thực để cả nhà thưởng thức.

Nguyên liệu

  • Thịt băm: 100gr
  • Quả sấu xanh: 4 - 5 quả
  • Rau nhút: 1 bó
  • Hành khô, rau mùi, cà chua, hành lá
  • Các gia vị cần thiết (nước mắm, bột ngọt, bột canh, hạt tiêu...)

Cách làm canh chua sấu thịt băm

Quả sấu cạo sạch vỏ, rửa sạch.

Hành tím lột bỏ, đập nhỏ. Cà chua làm sạch thái miếng. Hành lá cắt gốc, rửa sạch thái nhỏ.

Rau nhút nhặt lấy phần lá và thân non rồi rửa sạch.

Bắt chảo lên bếp, cho dầu vào đợi dầu nóng cho hành tím vào nôi phi thơm, rồi đổ thịt băm vào xào cho đến khi thịt săn lại.

Cho sấu, cà chua và ít hạt nêm vào nồi đảo cùng cho đến khi cà chua chín mềm, ra nước.

Đun sôi rồi giảm lửa đun để vị chua từ cà chua và sấu ngấm vào thịt bằm. Bạn đổ thêm nước vào đun, đun sôi cho rau nhút vào đun tiếp. Lúc này bạn bắt đầu nêm nếp gia vị (nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu... cho vừa ăn).

Cho hành lá và rau mùi thái nhỏ vào nồi. Múc canh ra tô và thưởng thức cùng với cơm.

Có thể thấy, quả sấu không chỉ mang đến những lợi ích cho sức khỏe mà còn tạo ra rất nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn. Mùa sấu cũng đang cận kề bạn hãy học ngay những món ăn này để bữa cơm gia đình thêm phần phong phú.

1