Trong 3 miền đất nước Việt Nam thì miền Trung từ xưa luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn các "anh em" miền khác do luôn là nơi "đón đầu" những cơn bão ập tới. Tuy nhiên, người miền Trung cần cù, chăm chỉ đã phát triển nền kinh tế - xã hội lên vượt bậc trong những năm gần đây. Nhưng đối với Tết cổ truyền thì người dân nơi đây vẫn trân trọng, gìn giữ nguyên bản được những giá trị văn hóa tốt đẹp. Có lẽ cũng vì thế nên nhiều người rất thích du lịch Tết về miền Trung đó!
Du xuân tại chợ Tết miền Trung
Mỗi khi nhắc đến chợ Tết, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới hình ảnh của những phiên chợ ngày giáp Tết tấp nập, nhộn nhịp nơi các gia đình hối hả sắm sửa chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm và tươm tất.
Khác với những phiên chợ đó, những phiên chợ Tết đặc biệt và lâu đời tại miền Trung như chợ Tết đình Bích La (Quảng Trị), chợ Tết Gia Lạc (Huế) lại được tổ chức vào những ngày đầu năm mới, là nơi mọi người du lịch Tết cùng nhau đi du xuân. Đến với những phiên chợ này, người miền Trung ăn vận thật đẹp, mua những cành hoa và cây lộc để cầu may mắn cho gia đình.
Có lẽ chính vì mục đích của chợ Tết không chỉ để mua bán nên không khí tại đây lúc nào cũng chan hòa niềm vui, sự phấn khởi của mọi người thay cho sự ồn ào và hối hả thường thấy của những phiên chợ trong năm.
Mâm cỗ Tết truyền thống đặc trưng cho ẩm thực miền Trung
Có thể nói, Tết cổ truyền là dịp lễ đặc biệt nhất trong năm của người Việt với những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của mỗi miền đất nước được phô bày rõ nét nhất. Miền Trung là một vùng đất coi trọng truyền thống, vì vậy mâm cơm Tết của người dân nơi đây vẫn còn giữ được những ý nghĩa văn hóa lâu đời.
Mỗi món ăn xuất hiện trên mâm cơm không chỉ cầu kỳ, đa dạng trong nguyên liệu và cách trình bày mà còn gửi gắm những ý nghĩa sâu sắc. Nếu như măng khô kho tượng trưng cho mong muốn một năm ấm no, sung túc, vạn sự tốt lành thì món tré với sự kết hợp hài hòa của bì, thịt và các gia vị lại mang thông điệp của tình cảm khăng khít, gia đình hòa thuận.
Món chả giò với vỏ ngoài giòn tan, gói bên trong những những nguyên liệu được kết hợp hài hòa là hình ảnh tượng trưng cho mong muốn trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà.
Văn hóa nghĩa tình của miền Trung
Nếu như ở nhiều nơi khác, nhịp sống hiện đại ngày càng gấp gáp đang khiến cho Tết trở thành dịp để người ta đi du lịch Tết đây đó, tìm kiếm sự mới mẻ hay đơn giản là tận hưởng thời gian nghỉ ngơi thì ở miền Trung, Tết cổ truyền vẫn là một dịp lễ được đón nhận với đầy đủ những nét văn hóa nguyên bản.
Không chỉ là những khu chợ Tết nơi người ta du xuân, những mâm cơm Tết với đầy đủ các món ăn truyền thống đậm tình, văn hóa nghĩa tình của miền Trung thấm sâu vào mối liên kết cộng đồng giữa từng con người nơi đây. Tết miền Trung là khoảng thời gian quý báu để gia đình đoàn viên; anh em, bạn bè, xóm giềng gặp gỡ sau một năm làm việc bận bịu.
Bên mâm cơm sum vầy, người ta hàn huyên về những câu chuyện của một năm đã qua, chia sẻ cho nhau nghe những dự định sắp tới, cùng nhau nâng ly mừng một khởi đầu tốt đẹp hơn khi một mùa xuân mới lại về.