Những Phong Tục Ngày Tết ở Việt Nam

CEO Kenvin LK
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất của người Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn và nguồn cội sâu sắc. Đây chính là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần...

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất của người Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn và nguồn cội sâu sắc. Đây chính là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, với nhiều hoạt động ý nghĩa để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Vậy, nguồn gốc của Tết là từ đâu? Phong tục ngày Tết như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán (hay Tết âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền) là dịp lễ quan trọng và ý nghĩa nhất của người dân Việt Nam. Diễn ra vào đầu năm âm lịch, Tết Nguyên Đán đánh dấu kết thúc năm cũ và chào đón một năm mới đến.

Nếu đọc đúng phiên âm, dịp lễ này phải gọi là “Tiết Nguyên Đán”. Bởi nguyên nghĩa của chữ “Tết” là “Tiết”, còn theo phiên âm chữ Hán - Việt thì “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm.

Tết Nguyên Đán được tính vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, do quy luật 3 năm nhuận một tháng nên sẽ muộn hơn Tết Dương lịch khoảng 1 đến 2 tháng. Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng ngày 21/1 đến 19/2 dương lịch.

Tại Việt Nam, Tết được bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, là ngày tiễn Ông Công, Ông Táo về trời, đến ngày 7 tháng giêng. Người dân sẽ bắt đầu sắm sửa Tết trong khoảng 7 ngày cuối năm cũ và nghỉ ngơi “chơi” Tết trong 7 ngày đầu năm mới.

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề đang được tranh cãi.

Hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày”, người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Trong cuốn “Kinh Lễ”, Khổng Tử cũng đã viết rằng: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó.”

Dù có nguồn gốc từ đâu, thì ngày tết đối với mỗi người Việt Nam vẫn là những ngày linh thiêng và ý nghĩa. Có rất nhiều phong tục ngày tết đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, bồi đắp thêm những giá trị tinh thần cho dân tộc Việt.

Ý nghĩa của ngày Tết với người Việt Nam

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa và kết nối giá trị của gia đình.

Xét về mặt tâm linh, Tết là dịp để con người tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh, thượng đế đã ban phước cho họ trong suốt một năm qua. Nên ngày tết, mọi người thường dành ra thời khắc quan trọng để cảm tạ các đấng bậc bề trên và xin cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mọi việc hanh thông.

Ngày Tết cũng là ngày để các giá trị gia đình được tôn vinh. Thành viên trong gia đình, dù có đi làm ăn xa hay cả năm tất bật với công việc, thì đến ngày tết cũng cố gắng thu xếp để về quây quần bên gia đình. Các công việc chung sẽ được tất cả mọi thành viên tham gia một cách hào hứng. Mọi nhà đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp và chuẩn bị những bao lì xì may mắn. Tết là dịp để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, thăm viếng tổ tiên và cùng nhau trải qua những ngày tết với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nhà cửa được trang hoàng dịp tết nguyên đán

Những phong tục ngày tết ở Việt Nam

Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời. Việc đón năm mới trước đây được quy định rất rõ ràng với rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, thì một số những quy ước về tết cũng được giản lược hoặc bỏ bớt đi. Nhưng có những phong tục ngày Tết rất ý nghĩa vẫn được tiếp tục duy trì và truyền lại cho các thế hệ sau.

Dưới đây là một số những phong tục ngày tết ý nghĩa ở Việt Nam.

1. Phong tục ngày tết: Cúng Ông Công, Ông Táo

Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Vào ngày này, mọi gia đình Việt sẽ dọn dẹp bếp sạch sẽ, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt 1 năm qua với Ngọc Hoàng. Đặc biệt, cá vàng sau khi cúng xong sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.

Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày bắt đầu đánh dấu Tết đã bắt đầu. Các hoạt động nhộn nhịp để chuẩn bị cho tết sẽ bắt đầu từ ngày này.

2. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là món ăn truyền thống đã có từ thời vua Hùng và là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm những ngày Tết của người Việt cho tới ngày nay. Gói bánh chưng được coi là một phong tục ngày tết vô cùng nhân văn và ý nghĩa. Bánh chưng thường được các gia đình sắp sửa và gói từ ngày 27, 28, 29 Tết.

Việc gói bánh chưng, cũng như việc sửa soạn các món ăn truyền thống trong ngày tết, không chỉ tạo ra món ăn ngon mà còn tạo nên sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Cả nhà, từ ông bà cho đến các em bé nhỏ đều có thể tham gia vào, tạo ra những kí ức đẹp trong những năm tháng sau này.

3. Phong tục ngày tết: tặng quà và thăm viếng nhau

Tặng quà ngày tết là truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của nền văn hóa Á Đông nói chung cũng như của người Việt Nam nói riêng. Trong ngày đầu năm mới, con cháu sẽ tề tựu đông đủ tại nhà của ông bà, bố mẹ, để gửi đến những bậc sinh thành những món quà, lời cảm ơn và lời chúc sức khoẻ, trường thọ, an khang. Ông bà, bố mẹ cũng sẽ chúc lại con cháu những điều tốt đẹp, và trao những bao lì xì may mắn để “mừng tuổi” cho trẻ con.

Việc tặng quà và thăm viếng này cũng được thực hiện với các ông bà, cô dì, chú bác, anh em trong dòng tộc, giúp củng cố thêm tình thân và sự gắn kết trong dòng tộc.

Với các mối quan hệ ngoài xã hội, đặc biệt là trong làm ăn kinh doanh, thì việc tặng quà tết và thăm hỏi này thường sẽ được thực hiện trước tết nguyên đán từ 1-2 tuần. Các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị những món quà tết thật đẹp và ý nghĩa để tặng cho khách hàng, đối tác và nhân viên - những người đã gắn bó với doanh nghiệp mình suốt năm qua - thay cho lời cảm ơn chân thành. Những hộp quà tết này thường sẽ được đặt riêng và thường in logo doanh nghiệp bên trên hộp quà.

Ngoài những phong tục trên, còn nhiều phong tục khác như trang hoàng nhà cửa, đi chợ Tết, tảo mộ tổ tiên, cúng tất niên, xông đất, xin chữ ngày Tết, chúc Tết và lì xì đầu năm, đi lễ đầu năm, dựng cây nêu, kiêng không quét rác ngày Tết và nhiều phong tục khác cũng rất ý nghĩa và mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

Tất cả những phong tục ngày tết này góp phần tạo nên một cái Tết thật xôm tụ và hào hứng, góp phần tạo nên những kí ức đẹp cho mọi thế hệ người Việt, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

1